Đổ Mồ Hôi Trộm Là Gì

Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm. Tuy nhiên, đổ mồ hôi trộm kèm theo một số triệu chứng khác có thể giúp bác sĩ thu hẹp phạm vi nguyên nhân của đổ mồ hôi trộm.

Thói quen ăn uống và sinh hoạt

Các yếu tố bên ngoài từ thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể gây ra đổ mồ hôi lúc ngủ. Cụ thể là:

  • Sử dụng rượu vào ban đêm;
  • Ăn các món có vị cay vào bữa ăn chiều hoặc khuya;
  • Tập thể dục trước khi ngủ;
  • Mặc quần áo chật, vải không thoáng khí;
  • Chăn, gối và ga giường không phù hợp với thời tiết;
  • Căng thẳng và lo lắng.

Rối loạn nội tiết tố

Đối với phụ nữ mang thai và vừa mới sinh con

Nồng độ hormone dao động khi mang thai cũng có thể khiến bạn đổ mồ hôi trộm. Triệu chứng này phổ biến trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ. Sự thay đổi hormone sinh sản như estrogen và progesterone sau khi sinh cũng có thể gây ra những thay đổi về nhiệt độ cơ thể khiến bạn hay có cảm thấy nóng bứt rứt trong người. Cơ thể phụ nữ sau sinh có những biểu hiện như bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi nhiều để hạ nhiệt.

Hội chứng tiền mãn kinh và mãn kinh

Đổ mồ hôi trộm là triệu chứng phổ biến trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Mãn kinh chính thức bắt đầu khi bạn không có kinh trong 12 tháng liên tục. Độ tuổi khởi phát trung bình là 51. Tiền mãn kinh là giai đoạn trước mãn kinh. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng giảm sản xuất estrogen, progesterone và một lượng nhỏ testosterone, kinh nguyệt sẽ trở nên không đều. Tiền mãn kinh thường xảy ra trong độ tuổi từ 40 đến 50.

Việc thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến vùng dưới đồi (phần não kiểm soát nhiệt độ cơ thể) gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Đây được xem là một sự trục trặc trong bộ điều nhiệt của cơ thể bạn. Bạn có thể cảm thấy đột ngột bốc hỏa hoặc đỏ bừng ở mặt, cổ và ngực. Để phản ứng lại với điều đó, cơ thể bạn khởi động cơ chế tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi nhiều.

Với người nữ bị suy buồng trứng nguyên phát (primary ovarian insufficiency – POI) có thể bị đổ mồ hôi ban đêm với cơ chế tương tự như những người trải qua thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Với POI, buồng trứng của bạn ngừng sản xuất estrogen trước tuổi 40.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome – PMS) hoặc rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder – PMDD)

Sự dao động nội tiết tố nữ trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gây ra đổ mồ hôi trộm. Nồng độ estrogen sẽ giảm trước chu kỳ kinh đầu tiên, thời điểm này thường liên quan nhất đến PMS và PMDD. Ngoài đổ mồ hôi trộm, trẻ gái cũng có thể có các triệu chứng như khó chịu và chuột rút liên quan đến PMS và PMDD.

Mãn dục nam (Andropause)

Mãn dục nam là thuật ngữ chỉ sự suy giảm hormone nam giới testosterone, dẫn đến sự suy giảm sự sinh tinh và dưỡng tinh, suy giảm chức năng hoạt động tình dục. Khoảng 39% nam giới từ 45 tuổi trở lên có thể bị giảm testosterone. Đổ mồ hôi trộm là một trong những triệu chứng có thể xuất hiện khi lượng testosterone thấp hoặc suy sinh dục.

Tác dụng phụ của thuốc

Nếu gần đây bạn có sử dụng một loại thuốc mới và sau đó có tình trạng đổ mồ hôi trộm, hãy trao đổi với bác sĩ đã kê toa thuốc về vấn đề này. Một số loại thuốc dưới đây có tác dụng phụ là đổ mồ hôi trộm:

  • Nhóm thuốc corticosteroid như prednisone và cortisone;
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI);
  • Nhóm thuốc giảm đau như aspirin và acetaminophen;
  • Các nhóm thuốc hạ đường huyết;
  • Các nhóm thuốc trị liệu bằng hormone;
  • Thuốc chống loạn thần phenothiazine.

Tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều ngay cả khi không có các yếu tố môi trường, thể chất và tâm lý tác động. Tăng tiết mồ hôi có thể do nguyên phát (không có nguyên nhân thực thể) hoặc thứ phát do một số bệnh lý.

Hạ đường huyết trong đêm

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn thấp hơn lượng đường cần có để các tế bào trong cơ thể hoạt động. Nếu bạn có bệnh lý đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 và đang sử dụng thuốc, bạn có thể bị hạ đường huyết trong đêm. Ngoài việc khiến bạn đổ mồ hôi trộm, hạ đường huyết trong đêm còn có một số triệu chứng khác như:

  • Hoa mắt, choáng váng;
  • Cảm giác mất thăng bằng;
  • Đói;
  • Mệt mỏi hoặc thấy kiệt sức;
  • Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều;
  • Đau đầu;
  • Lạnh run.

Nếu lượng đường huyết xuống mức quá thấp, có thể dẫn đến co giật hoặc mất ý thức.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm, kèm theo một số triệu chứng điển hình như:

  • Ợ trớ;
  • Ợ chua;
  • Ợ hơi;
  • Nóng rát sau xương ức;
  • Nuốt nghẹn;
  • Khó vào giấc ngủ;
  • Làm tăng triệu chứng của các bệnh lý khác như ho, hen phế quản,…

Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng bạn ngưng thở hoặc có cảm giác khó thở trong lúc ngủ, khiến bạn phải tỉnh giấc, bật dậy và hít thở sâu, thường xảy ra nhiều lần trong một đêm.

Ngưng thở khi ngủ có thể do nguyên nhân tắc nghẽn hoặc nguyên nhân từ hệ thần kinh trung ương. Nếu bạn có tình trạng này, ngoài đổ mồ hôi trộm bạn có thể có các triệu chứng:

  • Cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào hôm sau;
  • Ngủ không ngon giấc và phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm;
  • Cảm giác khó thở và muốn ngất trong lúc ngủ;
  • Đau đầu, chóng mặt.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và có hướng điều trị, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch và hô hấp.

Đổ mồ hôi trộm: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 5
Ngưng thở khi ngủ có thể là một nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm

Nhiễm trùng

Một số bệnh viêm nhiễm cũng có thể gây đổ mồ hôi trộm, bao gồm:

  • Nhiễm virus: Cảm, cúm, COVID-19, HIV…
  • Nhiễm vi khuẩn: Lao, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm tủy xương, áp xe gan,…
  • Nhiễm nấm.

Ngoài đổ mồ hôi trộm, nếu đang có tình trạng nhiễm trùng, bạn có thể có các triệu chứng sau:

  • Sốt, lạnh run;
  • Đau nhức cơ và các khớp;
  • Đau nhức toàn cơ thể;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân;
  • Ăn uống kém ngon miệng.

Rối loạn thần kinh

Trong một số ít bệnh lý thần kinh như đột quỵ, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh tủy sống,… bạn có thể bị đổ mồ hôi trộm và một số triệu chứng như:

  • Ảnh hưởng tri giác;
  • Rối loạn hệ tiêu hóa hoặc tiết niệu;
  • Rối loạn vận động và/ hoặc cảm giác;
  • Rối loạn thần kinh tự chủ;
  • Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn.

Ung thư

Đổ mồ hôi trộm có thể là một trong các triệu chứng của ung thư, nhưng cũng khá hiếm gặp. Một số loại ung thư có thể xảy ra đổ mồ hôi trộm như ung thư gan, bệnh bạch cầu, u lympho không Hodgkin. Các triệu chứng thường gặp như:

  • Mệt mỏi và suy nhược cơ thể day dẳng;
  • Sốt nhẹ kèm ớn lạnh;
  • Giảm cân không chủ ý;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Đau trong xương;
  • Đau bụng hoặc đau ngực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *