Người Ra Mồ Hôi Nhiều

Ngồi trong phòng máy lạnh, không vận động nhưng cơ thể vẫn ướt đẫm mồ hôi… Đây là tình trạng cảnh báo cho cơ thể có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm như đái tháo đường, ung thư, cường giáp…

Mồ hôi là một phản xạ tự nhiên bình thường của cơ thể, theo BS.CKI Trần Quốc Hoài, chuyên khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Khi thân nhiệt tăng cao do thời tiết nắng nóng, hoạt động thể thao trong thời gian dài, sốt do viêm nhiễm… thì cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi để cân bằng nhiệt độ, làm mát cơ thể và loại bỏ các độc tố.

Tuy nhiên, khi lượng mồ hôi tiết ra “như tắm” ngay cả khi ít hoạt động, đang nằm ngủ, ngồi yên hay trong môi trường mát mẻ, thì hiện tượng này được coi là bất thường và là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn.

Theo bác sĩ Hoài, tăng tiết mồ hôi có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở nhiều cơ quan như da, mắt, thận, thần kinh, tim mạch… trong đó thần kinh điều hòa tuyến mồ hôi có thể bị ảnh hưởng và ở trạng thái luôn “bật” khiến cho mồ hôi tiết ra nhiều và liên tục.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự thay đổi nội tiết tố như sụt giảm testosterone ở nam và thiếu hụt estrogen ở nữ thường gây toát mồ hôi hơn. Thay đổi này khiến cơ thể truyền thông tin không chính xác cho trung khu não bộ rằng cơ thể đang quá nóng, dẫn đến tăng tiết mồ hôi để làm mát cơ thể, giảm nhiệt độ.

Ngoài ra, người bệnh cũng có nguy cơ tiềm ẩn mắc các loại bệnh ung thư nguy hiểm khi có triệu chứng đổ mồ hôi ban đêm kèm theo sốt cao, nổi hạch, giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi… Tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn, sẽ có những cơ chế khác nhau gây tăng tiết mồ hôi. Ví dụ, u gan sẽ sản xuất quá mức lượng adrenaline; ung thư hạch bạch huyết và tế bào ung thư sẽ sản sinh ra các chất làm tăng nhiệt độ cơ thể; bệnh bạch cầu cấp làm tăng thân nhiệt để chống chọi nhiễm trùng, dẫn đến sốt và đổ mồ hôi.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây tăng tiết mồ hôi như: mãn kinh ở nữ, rối loạn lo âu, béo phì, cường giáp, nhiễm trùng, bệnh Parkinson, tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, hay lạm dụng chất kích thích.

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Vinh, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ngoài những nguyên nhân đã nêu, khi cơ thể đổ mồ hôi đầm đìa, nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân, trán, mặt hay nách… mà không phải do thời tiết nóng hay vận động cường độ cao, thì nguyên nhân có thể là do cường hệ thần kinh giao cảm gây ra chứng tăng tiết mồ hôi. Đây là tình trạng ảnh hưởng đến 3-5% dân số trên thế giới, gây nhiều phiền toái và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ít xâm lấn dành cho người bị tăng tiết mồ hôi được các bác sĩ chỉ định, như chất chống mồ hôi có chứa nhôm clorua để tắc tuyến mồ hôi, công nghệ điện chuyển ion giảm hoạt động tuyến mồ hôi, tiêm botulinum ngăn chặn tín hiệu kích hoạt các tuyến mồ hôi, sử dụng thuốc kháng cholinergic, chống trầm cảm… Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn và có những hạn chế. Do đó, phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt hạch thần kinh giao cảm đã được áp dụng rất phổ biến để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát. Phẫu thuật này có nhiều ưu điểm như khả năng giảm tiết mồ hôi đầy đủ, an toàn, thẩm mỹ, ít tái phát và nhanh hồi phục. Quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng khoảng 20-30 phút thông qua một vài vết mổ nhỏ ở vùng nách, giúp đốt hạch giao cảm. Sau phẫu thuật, người bệnh chỉ cần theo dõi nội trú một đêm và được xuất viện.

“Hiện tượng đổ mồ hôi tưởng bình thường trong cuộc sống hàng ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Mỗi người nên theo dõi sức khỏe bản thân để nhận diện những sự bất thường và đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp”, bác sĩ Vinh khuyên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *