Viêm Tuyến Mồ Hôi Mủ

Bệnh viện da liễu trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 47 tuổi, với triệu chứng nổi các sẩn cục ở vị trí nách, bẹn, khoe, vỡ chảy mủ mùi hôi thối, lành để lại sẹo xơ chắc. Sau khi được thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ.

Khái niệm

Viêm tuyến mồ hôi mủ (tên khoa học là Hidradenitis Suppurativa) là một bệnh da nhiễm trùng mãn tính ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể. Bệnh gây ra các thương tổn viêm nằm sâu bao quanh, từ nốt không viêm đến những thương tổn viêm. Hiện tượng này gây đau đớn và gây chảy mủ nhầy, để lại sẹo xơ dính.

Dịch tễ học và căn nguyên gây bệnh

Trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ chiếm 1% dân số. Bệnh thường khởi phát sau tuổi dậy thì, phổ biến nhất ở lứa tuổi 20-40, đặc biệt phụ nữ mắc nhiều hơn nam. Bệnh kéo dài sau nhiều năm và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Căn nguyên gây bệnh hiện nay vẫn chưa được biết rõ, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy:

  • Yếu tố di truyền: Khoảng 26% bệnh nhân có yếu tiền sử gia đình, tuy chưa xác định có liên quan đến HLA, nhưng một số nghiên cứu gợi ý có liên quan tới di truyền gen trội trên NST thường.
  • Bệnh kết hợp: như bệnh Cronh, viêm khớp, hội chứng Down, viêm tuyến giáp Hashinomoto, herpes simplex, hội chứng ruột kích thích,..
  • Hormon và androgen: hormon ảnh hưởng tới bệnh vì bệnh ít gặp ở tuổi trước dậy thì, bệnh nặng hơn trước kì kinh và liệu pháp kháng androgen có lợi ở một vài nghiên cứu.
  • Béo phì: không có vai trò trong cơ chế bệnh sinh, nhưng làm nặng thêm do làm tắc nghẽn và cọ xát.
  • Nhiễm trùng: là yếu tố bệnh sinh kinh điển, vi khuẩn thường gặp là tụ cầu vàng, liên cầu, trực khuẩn gram âm và kị khí,..
  • Hút thuốc: là yếu tố khởi phát của bệnh, thay đổi hóa ứng động bạch cầu đa nhân trung tính, giảm hút thuốc làm cải thiện bệnh.

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ chủ yếu dựa vào quan sát lâm sàng, hiếm khi cần sinh thiết. Bệnh thường khởi phát âm thầm với ngứa, hồng ban, tăng tiết mồ hôi khu trú. Sau đó, thương tổn trở nên đau, chảy mủ và có mùi hôi. Ba yếu tố cần thiết cho chẩn đoán là: thương tổn điển hình, phân bố đặc trưng và tái phát.

Thương tổn cơ bản được phân loại thành các nhóm:

  • Comedone trứng cá.
  • Sẩn màu hồng, đường kính < 1 cm, đau.
  • Áp xe, sẩn cục chảy mủ, đau nhiều.
  • Sẹo co kéo da, sẹo lồi lên như dây thừng.

Hai vị trí thường gặp là nách và bẹn – tầng sinh môn, và các vị trí khác chứa nang lông và tuyến mồ hôi tiết mùi như: nếp vú, núm vú, khoe, ..

Bệnh có giai đoạn phát triển:

  • Giai đoạn 1: tạo thành áp xe đơn đôc, rải rác, không có sẹo hoặc rãnh xoang.
  • Giai đoạn 2: áp xe tái phát, thương tổn rộng hơn, thương tổn đơn độc tạo thành rãnh xoang và sẹo.
  • Giai đoạn 3: thương tổn rộng, lan tỏa, liên kết với nhau tạo thành rãnh xoang, chằng chịt.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ cần được phân biệt với nhọt, áp xe ngoài da, viêm bạch mạch, cyst bã đậu, lao da, hột xoài và các bệnh nhiễm trùng khác.

Điều trị

Điều trị nội khoa:

  • Kháng sinh: clindamycin dùng tại chỗ, kháng sinh toàn thân cần thiết, thường sử dụng nhóm tetracyclin, metronidazol, clindamycin, rifampicin.
  • Retinoid: tăng cường biệt hóa teesbaof, chống tăng sinh tế bào và điều hòa miễn dịch.
  • Corticoid: tiêm nội tổn thương giúp giảm viêm, tiêm lại sau 2-3 tuần nếu cần. Dùng corticoid đường uống giảm viêm trong đợt cấp nếu cần thiết.
  • Hormon: có hiệu quả trong một vài nghiên cứu.
  • Thuốc sinh học: Adalimumab (Humira) và Infliximab (Remicade) có thể giúp điều trị HS ở những trường hợp nặng hoặc khó điều trị.

Điều trị ngoại khoa:

Chích rạch, dẫn lưu, làm sạch tổn thương trong giai đoạn viêm.

Ngoài ra, để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, hãy ghi nhớ những điều quan trọng sau:

  • Giảm cân: hạn chế sự cọ sát trên da.
  • Bỏ hút thuốc: không chỉ làm giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim mà còn có thể làm giảm nghiêm trọng của HS.
  • Không dùng dao cạo râu tại tổn thương.
  • Giữ cơ thể khô thoáng: bệnh có thể bùng phát do quá nóng và đổ mồ hôi. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi sử dụng chất khử mùi, vì đôi khi chúng có thể gây kích ứng da.
  • Chăm sóc tổn thương đúng cách: áp gạc ấm lên tổn thương để giúp giảm sưng và đau. Làm sạch tổn thương hàng ngày bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc chất tẩy rửa, duy trì và cân bằng độ ẩm trên da, tránh để vùng da bị quá khô hoặc quá ướt.
  • Điều chỉnh cách ăn mặc: mặc quần áo rộng có thể giúp giảm đau đớn từ việc da bị cọ xát bởi mặc quần áo quá chật.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ: vì bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ liên quan đến trầm cảm, bệnh nhân rất cần nhận được sự cảm thông và giúp đỡ từ gia đình và bạn bè.

Bài viết: BSNT Nguyễn Thị Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *